Kinh tế Việt Nam sắp khép lại một năm 2017 với nhiều kỷ lục được ghi nhận. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, tăng trưởng kinh tế trong năm 2018 vẫn là một bài toán không dễ.
Năm 2017, đạt và vượt toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, nổi bật là tăng trưởng GDP đạt 6,7% - mức cao nhất trong gần 10 năm qua. Nền kinh tế cũng chứng kiến hàng loạt con số kỷ lục trong nhiều lĩnh vực: Kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mốc 400 tỷ USD; vốn FDI thực hiện 11 tháng đã đạt tới 16 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay; có trên 120.000 doanh nghiệp thành lập mới.
Bên cạnh đó, việc tổ chức thành công tuần lễ cấp cao APEC vào tháng 11 vừa qua đã giúp vị thế của Việt Nam được nâng cao trên trường quốc tế, mở ra thêm nhiều cơ hội đầu tư lớn.
Câu hỏi đặt ra, liệu rằng kinh tế Việt Nam có tiếp được đà hưng phấn này trong năm 2018 hay không trước những thách thức nội tại của nền kinh tế như nợ công tăng cao, ngân sách eo hẹp nhưng kế hoạch đầu tư phát triển lại cần vốn rất lớn, những hạn chế trong quản lý của các bộ phận...
Theo TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), kinh tế Việt Nam hiện đang rất mở nên sẽ phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế thế giới.
Trong khi đó, kinh tế thế giới được dự báo vẫn có chiều hướng tích cực tuy nhiên không có mức độ lớn như năm 2017. Thế giới cũng đối mặt với nhiều rủi ro lớn liên quan đến các căng thẳng địa chính trị và xu hướng bảo hộ thương mại.
"Năm 2017, chúng ta đạt được mức 6,7% cũng nhờ vào bước nhảy sản xuất, xuất khẩu của Samsung, bước nhảy này sang năm cũng có thể có nhưng xác suất không quá cao. Dù nỗ lực hết sức nhưng cũng khó có thể biết được", ông Thành nói.
Mặt khác, ông Thành cho biết, tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc vào một số khu vực như chế biến chế tạo, bất động sản, dịch vụ. Các ngành này trong năm tới có thể vẫn phát triển nhưng khả năng bứt phá sẽ không mạnh mẽ như năm 2017.
"Chính vì thế, nếu nhìn vào mục tiêu tăng trưởng 2018 được Quốc hội thông qua là từ 6,5 – 6,7% (thấp và tương đương năm 2017) có thể thấy sự thận trọng nhất định. Tôi nghĩ chúng ta có thể đạt được mục tiêu này", ông Thành nói.
Đề cập đến rủi ro cho nền kinh tế vào năm 2018, ông Thành cho rằng, các thách thức lớn nhất sẽ đến từ bên ngoài, như vấn đề địa chính trị. "Yếu tố bên trong thì tôi không gọi đó là rủi ro, nhưng vấn đề chính tôi cho rằng phải xử lý hài hoà giữa tăng trưởng trong ngắn hạn và tái cấu trúc thể chế. Bên cạnh đó là việc cân bằng được các vấn đề của xã hội, cải cách thể chế, tạo điều kiện cho nền kinh tế hoạt động hiệu quả hơn nữa", ông nói.
Theo nhìn nhận của các chuyên gia kinh tế dự báo thì thế giới sẽ tiếp tục chu kỳ tăng trưởng trong năm 2018, 2019. Rủi ro vĩ mô có thể đến từ việc làm thế nào để giữ được tăng trưởng tốt trong môi trường lạm phát thấp.
Đối với thị trường tài chính, chứng khoán, TS. Trương Văn Phước, Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định, Việt Nam là một nền kinh tế tăng trưởng bằng xuất khẩu nên việc thay đổi chính sách thương mại giữa các quốc gia, tình hình tài chính toàn cầu suy giảm, gia tăng căng thẳng địa chính trị sẽ khiến thị trường chứng khoán đối mặt với nhiều biến động.
Thị trường sau một giai đoạn tăng trưởng nhanh sẽ cần thời gian để tích lũy trở lại. Tuy nhiên, đối với những doanh nghiệp tăng trưởng tốt thì sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi chu kỳ tăng trưởng và của dòng tiền đầu tư tài chính. Còn đối với những doanh nghiệp yếu, phát hành cổ phiếu tràn lan mà không sử dụng hiệu quả thì sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh và thoái trào.
Ông Phước cho biết: "Ngày 28-29 tới, Chính phủ sẽ tổ chức Hội nghị trực tuyến thảo luận Nghị quyết 01 về điều hành kinh tế trong năm 2018. Tôi nghĩ rằng mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô là quan trọng. Nhưng năm nay, phải chăng chúng ta nên chủ trương tập trung chỉ đạo tăng cường sản xuất kinh doanh, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát".
Trong vài ba năm tới, nếu tín dụng ở Việt Nam tăng ở mức 18-20%, đương nhiên là với giả định kinh tế thế giới như hiện nay, thì không áp lực nhiều cho ổn định vĩ mô. Vì đối với đất nước chúng ta, nguồn lực vốn cho đầu tư vẫn là một nhân tố quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, ông Phước nhìn nhận.
Dự báo về những lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng mạnh nhất sau những thay đổi về chính sách của Chính phủ trong năm 2018, TS. Võ Trí Thành cho rằng, với mức độ hội nhập như hiện nay thì việc làm ăn, đầu tư ở Việt Nam sẽ không chỉ dừng ở việc khai thác tầng lớp trung lưu đang tăng mạnh mà còn có tiềm năng lớn tương tác với các nước khác nhờ độ mở của thị trường, thông qua các hiệp định thương mại đã và đang ký kết.
"Sân chơi không chỉ rộng và còn nhiều, kèm theo đó là nhiều lĩnh vực hấp dẫn theo xu hướng mới như cách mạng công nghiệp 4.0. Lực lượng dẫn dắt thị trường đến từ khởi nghiệp sáng tạo dẫn đến đột phá khó có thể biết được. Còn nếu nhìn vào các ngành dẫn dắt truyền thống như công nghiệp chế biến chế tạo hướng đến xuất khẩu, dịch vụ, bất động sản, dù có thể phát triển nhưng khó có được đột phá như năm 2017", ông Thành nhận định
(Theo The Leader)