Năm 2020, dịch bệnh bùng phát, nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các doanh nghiệp hoạt động khó khăn khi dòng tiền bị đứt đoạn. Đáng nói, trong thời điểm khủng hoảng, tiền mặt dự trữ càng trở nên cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp quy mô càng nhỏ, lượng tích lũy tiền mặt có xu hướng càng ít. Vì thế, tình thế trở nên cam go hơn. Theo VCCI, giải pháp doanh nghiệp thực hiện phổ biến nhất để vật lộn với tình hình là cắt giảm lao động (chiếm gần 39%), cắt giảm chi phí (21%), tạm dừng kinh doanh (4%) và cho nhân viên nghỉ không lương (khoảng 4%). Nhưng vẫn có 19% doanh nghiệp cho biết chưa xác định được phương hướng để ứng phó với dịch bệnh trong quý 3 năm nay, trong đó tài chính vẫn là bài toán nan giải. Đây cũng là trăn trở nhận được nhiều quan tâm của cộng đồng doanh nhân và khán giả chương trình CEO Chìa khóa thành công trong nhiều tháng nay. Sau đây là một số giải pháp tài chính dành cho các doanh nghiệp trong giai đoạn cấp bách.
1. Rà soát tất cả áp lực về tài chính
Việc đầu tiên doanh nghiệp cần tiến hành là rà soát các áp lực về vốn lưu động như tiền mặt, hàng tồn kho, khoản đầu tư, các khoản phải thu và phải trả trong ngắn hạn, thuế và lương. Kế tiếp, rà soát thanh khoản và ưu tiên các khoản thanh toán. Những bước này giúp doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch chi tiêu, đảm bảo tuân thủ nghĩa vụ với các bên.
Giải pháp thứ hai là sớm triển khai dự toán ngân sách “từ số 0”. Theo đó, tất cả chi phí được lập và dành cho một chu kỳ kinh doanh mới. Song song, tất cả các bộ phận chuyên môn kiện toàn và tối ưu quy trình hoạt động nhằm lược bỏ hay cắt giảm các chi phí không còn cần thiết.
2. Cẩn trọng trong khi giao dịch
Trong thời gian này, doanh nghiệp đặc biệt ưu tiên thương thảo điều kiện thanh toán và các khoản nợ với đối tác. Khi ký kết hợp đồng mới, cẩn trọng xem xét nghĩa vụ các bên trong trường hợp phát sinh, ví dụ như tính toán về thời gian thực hiện hợp đồng.
Bên cạnh đó, việc liên tục cập nhật những biến động thị trường và xã hội để áp dụng vào các chiến lược hoạt động cụ thể là rất hữu ích. Đồng thời, những nhà quản trị cần tính đến nhiều kịch bản khác nhau để đưa ra các phương án ứng phó phù hợp, nhanh chóng, tránh rơi vào tình thế bị động.
3. Tiếp cận các chính sách hỗ trợ
Nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong đại dịch Covid, Chính phủ và các bộ, ban, ngành đã kịp thời ban hành nhiều chính sách như miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế và bảo hiểm xã hội; hỗ trợ vay vốn ưu đãi, giảm lãi suất các khoản vay, khoanh nợ và giãn thời gian trả nợ… Doanh nghiệp tích cực theo dõi, đẩy mạnh tiếp cận các gói hỗ trợ kể trên... và chúng ta đừng quên truyền thống của dân tộc Việt Nam: đoàn kết, siết chặt tay nhau để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh!