Theo PwC, mấu chốt để kiểm soát tốt mọi cuộc khủng hoảng là doanh nghiệp cần có một sự chuẩn bị chu đáo, căn cơ. Sau đây là 6 hành động trọng tâm mà các nhà quản trị có thể tiến hành để giúp cho doanh nghiệp của mình giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực, chuẩn bị thể trạng tốt nhất để đương đầu với khủng hoảng.
1. Quan tâm đến lực lượng lao động
Doanh nghiệp cần tiến hành rà soát lại lực lượng lao động đang làm việc tại tất cả các chi nhánh, các khu vực. Trong đó, đánh giá xem địa bàn nào có nguy cơ bùng phát, lây nhiễm cao. Từ đó lên kế hoạch sắp xếp phương án làm việc thích hợp như: đóng cửa tạm thời, cho nhân viên làm việc theo ca hay làm việc ở nhà…
2. Bổ sung vào kế hoạch đối phó khủng hoảng của công ty
Mọi công ty hoạt động chuyên nghiệp đều xây dựng kế hoạch hành động đối phó với khủng hoảng. Nhưng giữa kế hoạch với thực tế vẫn luôn có sự sai số nhất định, kế hoạch cũng không phải hợp lý tại mọi thời điểm. Vì vậy, các kế hoạch cần được ban lãnh đạo cập nhật và điều chỉnh thường xuyên, căn cứ theo tình hình kinh tế, xã hội, dịch bệnh...
3. Rà soát lại chuỗi cung ứng
Để hoạt động sản xuất không bị gián đoạn, doanh nghiệp cần chủ động xây dựng nhiều phương án liên hệ đối tác cung ứng. Xem xét nguồn nguyên liệu của mình có bị quá phụ thuộc, ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh tại một khu vực, một quốc gia nào không? Liệu có thể tìm thêm nguồn cung thứ cấp hoặc có thể lựa chọn thay thế bằng nguyên liệu khác được không?
4. Đảm bảo liên lạc thông suốt
Dịch bệnh bùng phát, nếu phải thực hiện giãn cách, các doanh nghiệp cần lựa chọn phương thức làm việc trực tuyến hay kênh trao đổi thông tin đáng tin cậy, phổ biến, dễ tiếp cận với mọi người. Điều này giúp mối liên lạc giữa các nhân viên, các bộ phận với đội ngũ quản lý, lãnh đạo luôn được thông suốt.
5. Hoạch định theo kịch bản
Hoạch định theo kịch bản là việc hoạch định có tiên liệu những tình huống liên quan nhằm đánh giá sự tác động của những hành vi thay thế. Hoạch định theo kịch bản giúp xác định các sự kiện bất ngờ có thể xảy ra, đồng thời lên phương án phản ứng nếu sự kiện bất ngờ đó xảy ra.
Với diễn biến khó lường của dịch Covid- 19, hoạch định theo kịch bản là một sự chuẩn bị quan trọng, giúp doanh nghiệp đề phòng tất cả các trường hợp, từ chiều hướng tiêu cực đến tích cực, từ đó điều chỉnh hợp lý các kế hoạch dài hạn.
6. Cần cảnh giác với nhiều mối nguy khác
Đừng chỉ tập trung vào mỗi đại dịch! Các chuyên gia khuyến cáo trong năm 2020, đại dịch không phải là mối nguy duy nhất. Các doanh nghiệp vẫn cần tiếp tục cảnh giác và đề phòng với nhiều nguy cơ khác như: vấn đề bảo mật, an toàn thông tin… vốn gây nhức nhối trong nhiều năm trở lại đây./