Các chuyên gia cho rằng, mô hình Holdings phù hợp với những tập đoàn gia đình đang ngày càng lớn mạnh ở Việt Nam.
Các diễn giả tại hội thảo mô hình Holdings do CEO - Chìa khoá thành công tổ chức
Theo ước tính của chương trình CEO – Chìa khoá thành công, các doanh nghiệp gia đình chiếm tỷ trọng tới 95% trong tổng số các doanh nghiệp ở Việt Nam, và những doanh nghiệp này ngày càng phát triển mạnh mẽ khi cho ra đời hàng loạt các công ty con, công ty cháu, công ty chắt.
Tuy nhiên, ông Hoàng Đức Hùng, Phó tổng giám đốc công ty PwC Việt Nam, cho rằng, khi kinh doanh phát triển nhiều lĩnh vực, nhiều ngành nghề, nhiều công ty, dẫn đến sở hữu chồng chéo giữa các thành viên trong gia đình và giữa các công ty với nhau. Lĩnh vực hoạt động của các công ty thành viên cũng chồng chéo nhau.
Sự chồng chéo này làm nảy sinh các vấn đề về quản trị, quản lý và hiệu quả hoạt động. Các cổ đông đứng trước hàng loạt những thách thức cần phải xem xét lại xem chiến lược hoạt động đã phù hợp chưa, làm sao định hướng và gắn kết các mảng hoạt động cũng như các rủi ro theo các mảng hoạt động đã được quản lý hiệu quả chưa.
Chính những vấn đề này buộc các doanh nghiệp gia đình phải tính toán những phương án tái cấu trúc nhằm sắp xếp lại cơ cấu sở hữu và cấu trúc ngành nghề kinh doanh theo định hướng chiến lược và rủi ro, tìm kiếm đối tác chiến lược và nguồn vốn cũng như nâng cao tính minh bạch và chuyên nghiệp, tăng cường hiệu quả quản lý nguồn lực.
Theo ông Hùng, mô hình Holdings phù hợp để áp dụng cho các doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam. Công ty Holdings là công ty được thiết lập để nắm giữ cổ phần ở các công ty khác với quyền kiểm soát và chi phối. Mô hình này sẽ giúp xác định chiến lược doanh nghiệp gắn kết với mô hình kinh doanh, phát huy tối đa tài sản, nguồn lực và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; sắp xếp và cơ cấu lại sở hữu các công ty thành viên; hoàn thiện cơ cấu quản trị và nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như hợp nhất giá trị doanh nghiệp và tối ưu hoá kế hoạch thuế.
Hiện nay mô hình Holdings đã phát triển rất mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, quy mô kinh doanh ngày càng được mở rộng, nhu cầu phát triển theo hướng đa ngành, đa nghề cũng như nhu cầu gắn kết các doanh nghiệp và các cổ đông ngày càng gia tăng cùng với việc kiểm soát các rủi ro trở nên khó khăn hơn đã thúc đẩy nhiều doanh nghiệp Việt Nam phát triển lên mô hình Holdings để tối ưu hóa hoạt động của doanh nghiệp.
Tuy nhiên ông Hùng cho rằng, ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa có mô hình Holdings đúng nghĩa. Trong mô hình Holdings, công ty mẹ đóng vai trò là cổ đông lớn tại các công ty con nhưng không trực tiếp điều phối kinh doanh nhưng nhiều tập đoàn lớn cũng chỉ đang áp dụng mô hình quản trị hỗn hợp, vẫn can thiệp quá sâu vào các công ty con giống như mô hình gia đình, mẹ - con, tập đoàn chứ chưa thực sự giống như mô hình trong đó nhà đầu tư đơn thuần “holding”.
Tại hội thảo về mô hình Holdings do CEO – Chìa khoá thành công tổ chức ngày 16/11 tại Hà Nội, các chuyên gia đều cho rằng, thuật ngữ Holdings dường như còn khá mới mẻ và mơ hồ đối với nhiều CEO Việt. Dù đầu tư vào nhiều công ty nhưng nhiều CEO đang lẫn lộn trong tư duy, nghĩ rằng mô hình của mình là công ty holdings trong khi họ chiếm cổ phần chi phối và can thiệp quá sâu vào các công ty mà họ đầu tư.
Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái cho rằng, mô hình Holdings thiên về đầu tư nhiều hơn. Công ty Holdings sẽ đi đầu tư ở các công ty khác, đa số là để có tiếng nói ở trong các công ty con, nhưng không can thiệp nhiều, nghĩa là các công ty con sẽ có tính chủ động nhiều hơn, độc lập hơn và tự vận hành.
Tập đoàn Phú Thái thành lập từ năm 1993 và đã phát triển mô hình Holdings được gần 10 năm nay, trong đó 100% cổ phần do ông Đoàn nắm giữ. Tập đoàn có 6 công ty con hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau và các công ty này đều đã thành công trong việc mở rộng liên doanh với các đối tác nước ngoài và phát triển rất tốt.
Tuy nhiên, ông Thái Quốc Minh, Chủ tịch VP Capital cho rằng, vì ông Đoàn vẫn phải thường xuyên quán xuyến các hoạt động chiến lược tại các công ty này nên mô hình hoạt động hiện tại của tập đoàn Phú Thái vẫn chưa thực sự là mô hình Holdings.
Trả lời câu hỏi của các CEO về thời điểm thích hợp để đầu tư phát triển mô hình Holdings, ông Minh cho rằng doanh nghiệp chỉ nên phát triển mô hình này khi quy mô vốn đã vượt tầm kiểm soát hoặc khi doanh nghiệp gia đình chuyển giao cho thế hệ sau nhưng lại thiếu năng lực quản lý và khi công ty có nhu cầu phát triển các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhấn mạnh, doanh nghiệp có phải là mô hình Holdings hay không phụ thuộc rất lớn vào định hướng chiến lược và kiểm soát của người đứng đầu. Do đó, nếu muốn mô hình Holdings thực sự phát triển, các doanh nghiệp nên “lùi lại một bước”, tin tưởng và trao quyền cho những người giỏi và có tầm nhìn tại các công ty con.
(Theo The Leader)