Có hàng trăm xu hướng kinh doanh cùng tồn tại ở một thời điểm, nhưng thông thường chỉ có vài xu hướng liên quan đến thương hiệu của bạn.
Các xu hướng công nghệ, chiến lược marketing hoặc các dòng sản phẩm thời trang mới nhất luôn đầy sức cám dỗ đối với doanh nghiệp.
Không có gì lạ khi nhiều doanh nghiệp chấp nhận đầu tư những khoản chi phí lớn cho xu hướng mới nhất vừa xuất hiện. Vì lựa chọn đúng xu hướng có thể mở ra một thị trường cũng như cơ sở khách hàng hoàn toàn mới. Tuy nhiên, không phải tất cả các xu hướng đều có "tuổi thọ" lâu dài. Đối với chủ doanh nghiệp, việc biết được xu hướng nào có khả năng tiếp tục phát triển và xu hướng nào sẽ sớm biến mất có thể chính là điểm khác biệt dẫn đến thành công hay thất bại.
Dưới đây là những dấu hiệu cho thấy một xu hướng mới về sản phẩm/dịch vụ đáng để đầu tư:
1. Giải quyết được nhu cầu cơ bản
Ed Hebblethwaite – Giám đốc chiến lược của agency Williams Murray Hamm (Anh) – gợi ý các doanh nhân nên dựa vào Tháp nhu cầu của Maslow (một lý thuyết về tâm lý của nhà tâm lý học Abraham Maslow, được xem là có giá trị nhất trong hệ thống lý thuyết tâm lý) để cân nhắc một xu hướng.
Lý thuyết này chia các nhu cầu của con người ra thành 5 tầng. Ở tầng dưới cùng là các nhu cầu cơ bản nhất, như ăn uống, hít thở, nghỉ ngơi… Các tầng phía trên mô tả các nhu cầu phức tạp hơn, như cần được an toàn, được yêu thương, được tôn trọng… Căn cứ theo đó, Ed Hebblethwaite cho rằng, các xu hướng sẽ tiếp diễn khi nó đáp ứng được các nhu cầu nền tảng này của con người.
Nick Harrison – nhà đồng sáng lập mảng tư vấn bán lẻ Retail Practice cho Công ty tư vấn quản lý Oliver Wyman – đồng tình với quan điểm xem các nhu cầu cơ bản là chìa khóa cho vấn đề này.
“Một xu hướng hướng đến việc tạo ra sản phẩm/dịch vụ đáp ứng được một nhu cầu luôn tồn tại sẽ tốt hơn là phục vụ cho những nhu cầu luôn thay đổi. Lúc đó, nó mới không tạo ra kiểu thành công "ăn may". Những xu hướng dựa theo thị hiếu nhất thời, chẳng hạn như phong cách thời trang, ẩm thực... sẽ không thể bền vững.”
2. Phù hợp với phong cách sống của khách hàng
“Những xu hướng dài hạn được định hướng bởi phong cách sống của chúng ta”, Hayley Ard – người đứng đầu mảng Phong cách người tiêu dùng (consumer lifestyle) tại Công ty dịch vụ nghiên cứu xu hướng Stylus nói.
Theo bà, “những nhà dự báo sắc bén nhất là những người quan tâm sâu sắc nhất đến những bối cảnh, giá trị và nhu cầu đang thay đổi trong xã hội. Để mở rộng tầm nhìn về một xu hướng, hãy nghĩ về cách nó sẽ phục vụ cho những ưu tiên đang thay đổi của chúng ta”.
Hayley Ard cho rằng, cùng với sự cộng hưởng và tiếp cận, sự phù hợp là một trong 3 dấu hiệu then chốt để nhận biết một xu hướng có tồn tại lâu dài hay không.
“Tuy nhiên, đôi khi một sản phẩm mới đã tiếp cận được một thị trường đáng kể, nhưng nếu nó không liên quan đến thị trường của bạn thì xu hướng đó vẫn chưa phù hợp với doanh nghiệp của bạn”, bà lưu ý.
3. Phù hợp với sự nhận diện thương hiệu
“Quyết định xem có nên tham gia một xu hướng trong khi vẫn duy trì bản sắc thương hiệu là rất quan trọng. Có hàng trăm xu hướng cùng tồn tại ở một thời điểm, nhưng thông thường chỉ có vài xu hướng liên quan đến thương hiệu của bạn”, Ed Hebblethwaite nhận định.
Vì vậy, Hebblethwaite luôn khuyên các khách hàng của mình rằng, hãy chọn đúng xu hướng để theo đuổi, đồng thời đảm bảo cân bằng với việc duy trì được sự nhận diện thương hiệu.
4. Xuất hiện trong nhiều lĩnh vực khác nhau
Khi một xu hướng duy trì sự xuất hiện trong nhiều lĩnh vực, nghĩa là nó đã chứng minh được tính hữu dụng của mình trong nhiều ngữ cảnh.
“Tính kết nối đa chiều rất quan trọng. Nếu bạn nhìn thấy một xu hướng xuất hiện xuyên suốt trong nhiều ngành công nghiệp, đó là một dấu hiệu cho thấy nó có thể “sống thọ””, Hebblethwaite nói.
5. Thu hút sự tham gia của các đối thủ cạnh tranh
Mark Wright – nhà sáng lập của agency chuyên về SEO (tối ưu hóa công cụ tìm kiếm) Climb Online chia sẻ, việc quan sát các đối thủ cạnh tranh có thể mang đến cho doanh nghiệp ý tưởng về “tuổi thọ” của những xu hướng.
“Hãy chọn 3 – 5 đối thủ cạnh tranh trực tiếp và nhìn vào những điều họ đang làm, đang quảng bá. Nếu có những điểm tương đồng nhau, hãy thêm nó vào kế hoạch, chiến lược kinh doanh của bạn”, Wright gợi ý.
(Theo The Guardian)