Tiếng Việt English

Quản lý tài chính cá nhân: 3 lời khuyên để sống sót qua mùa dịch

Những ngày cuối tháng 7, dịch Covid - 19 đã một lần nữa bùng lên tại nước ta. Dự báo, đợt dịch này sẽ phức tạp hơn gấp nhiều lần so với hồi đầu năm. Lúc này, quản lý tốt tài chính cá nhân sẽ giúp chúng ta cầm cự dài hơi trong bối cảnh kinh tế tiếp tục hứng chịu tác động nặng nề; các doanh nghiệp gồng mình trụ lại trong cơn bão khủng hoảng; người lao động ra sức nỗ lực để vừa chứng minh giá trị của bản thân, giữ được việc làm; mặt khác chung sức “đồng cam cộng khổ” với doanh nghiệp. Sau đây là 3 lời khuyên đến từ các chuyên gia của chương trình CEO Chìa khóa thành công giúp chúng ta chuẩn bị tốt kế hoạch tài chính, sống sót qua thời kỳ biến động này.

1. Xây dựng “ngân sách” phòng chống dịch của riêng mình
Chưa có chuyên gia hay tổ chức nào khẳng định được khi nào đại dịch sẽ kết thúc. Nếu dịch tái bùng phát nhiều lần, một loạt hệ lũy kéo theo như: doanh nghiệp cắt giảm giờ làm, lao động giảm thu nhập, mất việc làm… sẽ khó tránh khỏi. Cách tốt nhất để mỗi người đối diện với cú “đột quỵ” tài chính có thể xảy ra bất cứ lúc nào là chủ động xây dựng ngân sách đề phòng cho những trường hợp khẩn cấp.
Chúng ta nên để riêng ra một số tiền gấp ít nhất là 3 lần thu nhập hàng tháng hiện nay để trang trải cuộc sống trong thời gian nghỉ việc hay phải điều trị bệnh tật… Tuyệt đối không sử dụng số tiền này cho các khoản chi khác.

2. Gửi tiền mặt vào ngân hàng và giao dịch không dùng tiền mặt
Trong thời gian giãn cách xã hội, chúng ta không nhất thiết phải giữ quá nhiều tiền mặt trong người! Các ngân hàng vẫn đảm bảo giao dịch diễn ra thông suốt. Vì vậy, lời khuyên được đưa ra là không nên chỉ tìm các ngân hàng lãi suất cao để gửi tiết kiệm mà chúng ta cũng nên ưu tiên giao dịch không dùng tiền mặt như sử dụng thẻ, ví điện tử, mã thanh toán QR. Bên cạnh nhanh chóng, an toàn, hạn chế nguy cơ lây nhiễm virus thì những cách thức giao dịch hiện đại này còn giúp người dùng tiết kiệm hơn khi nhận được nhiều chương trình ưu đãi.

3. Tiết kiệm tiền – Chỉ chi tiêu những khoản thiết yếu
Trong mùa dịch, cả thói quen, nhu cầu sinh hoạt lẫn mức thu nhập của mỗi người đều đã thay đổi. Nhưng về cơ bản thì năng lực chi trả cho các khoản thiết yếu như ăn uống, chi phí điện nước… vẫn phải được đảm bảo. Vì vậy, để ứng phó lâu dài với dịch bệnh, chúng ta không nên “vung tiền” cho những khoản không còn cần thiết. Đồng thời, tiết kiệm mỗi khi có thể.
Ngoài ra, vào thời điểm các nền tảng giao tiếp trực tuyến lên ngôi như hiện nay, chúng ta hoàn toàn có cơ hội kiếm thêm thu nhập từ những công việc như bán hàng online, cộng tác viên livestream hay nhân viên giao hàng… Đó là những giải pháp tình thế nhưng cũng rất thiết thực để mỗi người cầm cự vượt qua thời Covid đầy biến động này.


  • Bia Hà Nội